Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Giản tiện thủ tục thành lập doanh nghiệp

KTĐT - Thủ tục khởi sự kinh doanh dù được cộng đồng thành lập doanh nghiệp (DN) đánh giá là có tiến bộ so với trước đây nhưng vẫn còn phức tạp, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho DN.

Tại hội thảo xin ý kiến về dự thảo lần 5 Luật DN sửa đổi do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 10/7 tại Hà Nội, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, so với thế giới, thủ tục khởi sự của Việt Nam xếp thứ 109/189. Để vươn lên vị trí thứ 50 như mục tiêu đặt ra, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao mức xếp hạng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh
Đi vào từng nội dung cụ thể, các chuyên gia nhận định, việc Luật DN hiện hành yêu cầu phải có bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký DN khi đăng ký thành lập Doanh nghiệp là không còn hợp lý, gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập Doanh Nghiệp. Một điểm đáng lưu ý là Hiến pháp quy định "mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm", nhưng Luật DN hiện hành lại yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế, đồng thời còn giới hạn DN chỉ được kinh doanh ngành nghề đã được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN. Đại diện CIEM cho rằng, quy định như vậy là gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho DN.
Chia sẻ vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, dự thảo Luật DN sửa đổi đang đề xuất bỏ danh mục ngành nghề kinh doanh, DN được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. "Thay vào đó sẽ có hệ thống quản lý DN bằng mã số. Để chứng minh mình là ai trước đối tác khách hàng, DN chỉ cần cho họ biết mã số đó, đăng nhập vào cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia là có đầy đủ thông tin cần thiết về DN" - ông Tuấn cho biết. Trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ ghi những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục đăng ký DN sẽ được thực hiện đồng thời với các thủ tục đăng ký thuế, lao động và bảo hiểm xã hội để DN nhanh chóng đi vào hoạt động.
Góp ý với ban soạn thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, các thủ tục ra khỏi thị trường, giải thể DN cũng cần phải được cải cách nhằm khắc phục tình trạng DN "chết mà không được chôn". Vì thế các chuyên gia đánh giá cao dự thảo lần này đã có quy định cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định cho DN giải thể, sau 180 ngày mà cơ quan thuế không có ý kiến thêm thì quyết định chính thức có hiệu lực.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá dự thảo Luật DN sửa đổi lần 5 đã có nhiều cải cách trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ giới chuyên gia và cộng đồng DN. Đáng ghi nhận là các nội dung sửa đổi đều hướng tới việc tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập Doanh Nghiệp, đối xử bình đẳng về thủ tục gia nhập thị trường, khởi sự DN giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

 

Thành lập doanh nghiệp,thành lập công ty, dịch vụ kế toán