Mượn địa chỉ lập công ty “ma”

Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc về việc bị kẻ lạ lấy địa chỉ nhà của mình thành lập công ty “ma”. Đây là chiêu trò không mới của các chủ doanh nghiệp “ma” nhằm lừa đảo người tiêu dùng, mua bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính. Ngặt nỗi, các cơ quan chức năng có biết nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Người dân tìm hiểu các thủ tục về thuế tại TPHCM. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Lập công ty: dễ ợt!
Bạn đọc Đoàn Thị Bạch Cúc (ngụ tại đường Phạm Đôn, quận 5, TPHCM) phản ánh bị kẻ lạ tự tiện lấy địa chỉ căn nhà số 63/6H, ấp Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn do chị là chủ sở hữu để đăng ký kinh doanh lập công ty chuyên kinh doanh hàng may mặc. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi có một phụ nữ gọi điện, tự xưng nhân viên Trung tâm Văn bản pháp luật TP (185 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1) nhắn chị Cúc nói Huỳnh Công Đức ra lấy mã số thuế. Ngạc nhiên, không rõ Đức là ai, chị Cúc hỏi tiếp mới té ngửa đó là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh ngành may mặc, trụ sở chính tại địa chỉ nhà chị.
Lần theo địa chỉ chị Cúc đưa, chúng tôi không tìm được trung tâm nào có tên như trên. Gọi điện tới tổng đài 1080 TPHCM, các nhân viên cũng khẳng định không có. Gọi điện vào số điện thoại người phụ nữ từng gọi chị Cúc, người này nói chờ chút gọi lại, nhưng đợi cả ngày không thấy hồi âm. Tìm đến địa chỉ 185 Cách Mạng Tháng Tám, lại là trụ sở UBND quận 3. Được biết, trước đó chị Cúc có gửi Sàn giao dịch Bất động sản ACB rao bán căn nhà 63/6H, ấp Đông, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Hiện tại, căn nhà này chưa bán cũng không cho thuê. Theo chị Cúc, rất có thể Huỳnh Công Đức thấy địa chỉ rao bán nhà của chị để đăng ký lập công ty lụi hoạt động phi pháp.
Trong vai người có nhu cầu sử dụng trọn gói dịch vụ thành lập công ty (từ việc đăng ký đến khi ra được giấy phép đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT TPHCM), chúng tôi được chào mức phí rất “mềm”, dao động từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng. Ông Nam, nhà cung cấp dịch vụ tại quận 10, cho biết thủ tục rất đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu sao y của người đứng tên thành lập; tên, địa chỉ công ty; ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ. 5 ngày sau sẽ có giấy phép đăng ký kinh doanh và mã số thuế. 2 ngày sau có con dấu. Như vậy, tổng thời gian để cho ra đời một công ty chỉ kéo dài khoảng một tuần lễ. Khi được hỏi, địa điểm hoạt động (hoặc địa chỉ công ty) có buộc phải chứng minh các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng không, ông Nam khẳng định không cần.
“Nắm kẻ trọc đầu”
Chính việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, nên doanh nghiệp “ma” ngày càng nhiều. Đối tượng thành lập doanh nghiệp còn dùng cả chứng minh nhân dân giả, địa chỉ giả… để lập công ty; hoạt động buôn bán, kinh doanh phi pháp. Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã phá hàng loạt vụ thành lập công ty “ma” chuyên doanh vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất… để buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Có đối tượng thu mua hàng trăm quyển hóa đơn VAT, ghi khống nội dung trị giá lên tới trên 3.000 tỷ đồng để nhận tiền hoàn thuế hàng tỷ đồng.
Một cán bộ lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Hóc Môn thừa nhận, doanh nghiệp “ma” đang làm đau đầu cơ quan thuế. Bởi trên thực tế, việc cấp phép thuộc Sở KH-ĐT TPHCM, nhưng quản lý, giám sát việc nộp thuế của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của chi cục thuế quận, huyện. Do vậy, cán bộ thuế khó truy lùng dấu vết doanh nghiệp ảo. Vị cán bộ này kiến nghị Sở KH-ĐT TPHCM siết chặt cấp phép thành lập doanh nghiệp, tránh tình trạng đẩy khó cho ngành thuế. Tuy nhiên, đem thắc mắc này trao đổi với lãnh đạo Sở KH-ĐT TPHCM, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng thủ tục cấp phép hiện tại thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi sai sót, lọt lưới những đối tượng vi phạm. Về vụ việc chị Cúc phản ánh, một cán bộ Sở KH-ĐT cho biết, quy trình tiếp nhận đơn sẽ phải mất thời gian kiểm tra, xem xét nên chỉ có thể trả lời trong thời gian… nửa tháng. Ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế TPHCM, cho biết chị Đoàn Bạch Cúc có thể yên tâm vì chủ công ty “ma” không có hợp đồng giao kết (thuê, mượn, mua nhà), chữ ký của chị... Do vậy, nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu của chị.
Điều 22 Luật Quản lý thuế cũng ghi rõ “Đối tượng đăng ký thuế phải đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc” kể từ sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay. Doanh nghiệp chủ động lập hồ sơ khai thuế ban đầu tại chi cục thuế quận, huyện - nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính; hàng tháng, hàng quý, hàng năm kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp không kê khai nộp thuế tại địa phương, chi cục thuế quận, huyện sẽ căn cứ vào thông báo của Cục Thuế TP để xác minh, ra thông báo doanh nghiệp bỏ trốn.
Không ai có thể yên tâm khi bỗng dưng một ngày mình trở thành giám đốc ảo, địa chỉ nhà mình bị kẻ khác “mượn” đăng ký giấy phép kinh doanh, thậm chí bị gọi hầu tòa vì những tai họa do các chủ doanh nghiệp “ma” gây ra. Vẫn biết, việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển rất đáng hoan nghênh nhưng vì cơ chế thông thoáng mà không quản nổi doanh nghiệp lại là điều đáng lo. Sở KH-ĐT TPHCM, Cục Thuế TPHCM nên xem xét, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa, giám sát doanh nghiệp “ma” sao cho hiệu quả; tránh gây thiệt hại cho người dân lương thiện và cho cả ngân sách nhà nước.
THI HỒNG

Thành lập doanh nghiệp,thành lập công ty, dịch vụ kế toán